Mặc dù được chú trọng nghiên cứu và coi là mảnh đất màu mỡ để phát triển thị trường thuốc điều trị từ hơn 20 năm qua, bệnh hen phế quản (HPQ) đã và ngày càng trở nên phức tạp cả trong việc chẩn đoán và điều trị. Các hướng nghiên cứu mới chỉ tập trung vào cơ chế miễn dịch và cách điều trị đối phó có thể là nguyên nhân của những hạn chế hiện nay. Theo các nghiên cứu được công bố tại Bắc Mỹ và châu Âu, đã có khoảng hơn 30% trường hợp chẩn đoán nhầm các bệnh khác thành bệnh HPQ và con số bệnh nhân không kiểm soát được hoàn toàn triệu chứng của bệnh cùng với chất lượng cuộc sống giảm sút do bệnh vẫn còn ở mức 40 -55%. Một bức xúc lớn với người bệnh và các bác sĩ điều trị là tác dụng phụ của tất cả các thuốc điều trị phòng ngừa và cắt cơn đều khá phổ biến. Trong nhiều trường hợp, các thuốc điều trị đã được phát hiện là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cũng như làm bệnh nặng hơn. Đầu tháng 12/2008, trên trang chủ của FDA (Cơ quan quản lý dược phẩm của Hoa Kỳ), hai thẩm định viên cao cấp của tổ chức này đã đưa ra lời cảnh báo bệnh nhân HPQ sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn nếu họ tiếp tục sử dụng 4 loại thuốc có hoạt chất làm giãn phế quản tác dụng kéo dài, được chỉ định rộng rãi cho bệnh nhân hen phế quản, đó là: Advair, Symbicort, Serevent và Foradil. Kết luận này được đưa ra trên số liệu tổng hợp từ 110 nghiên cứu lâm sàng với hơn 60.000 bệnh nhân tham dự. Hai chuyên viên thuộc bộ phận an toàn dược phẩm còn nhấn mạnh trên trang web của FDA: bệnh nhân mọi lứa tuổi không nên dùng các thuốc trên và đặc biệt là những người dưới 17 tuổi. Trước đây, một số nghiên cứu ở Mỹ, Canada, Úc và châu Âu đã chỉ ra sự liên quan trực tiếp của các thuốc điều trị HPQ tương tự như các thuốc kể trên với các cơn suyễn kịch phát và các trường hợp đột tử ở người bệnh, nhưng những nhà quản lý và các hãng bào chế thường hướng dư luận theo chiều: kết quả này còn được bàn cãi và cần có thời gian để nghiên cứu thêm. Một nghiên cứu tại Mỹ bởi các bác sĩ tại Đại học Stanford còn cho thấy: trong số 5.000 trường hợp tử vong vì HPQ tại Mỹ, có tới 25% trường hợp là do thuốc điều trị gây ra. Nhóm dược phẩm có corticosteroid dạng bơm xịt cũng như dạng uống đã bị nhiều bác sĩ ngộ nhận là thần dược cho phòng và điều trị HPQ. Thế nhưng theo những nghiên cứu được công bố ở Mỹ và châu Âu, nhiều bệnh nhân đã được điều trị không có kết quả bởi các thuốc này. Đối với trẻ em, theo một nghiên cứu ở Mỹ, có tới hơn một nửa bệnh nhi đã không có được tiến bộ nào về triệu chứng và chức năng hô hấp sau 8 tuần sử dụng Fluticason hoặc Montelucast (thuốc chống viêm thế hệ mới). Với người lớn, một nghiên cứu khác cho thấy có tới hơn 30% trường hợp bệnh nhân không có sự cải thiện nào mặc dù được dùng đều đặn các thuốc tương tự. Việc tăng liều sử dụng các thuốc chống viêm, đặc biệt là nhóm có corticosteroid mỗi khi thấy bệnh nhân không đáp ứng với thuốc đã làm hại họ,vì thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn, siêu vi và nấm cùng với nhiều tác dụng phụ khác. Theo một thống kê của các bác sỹ thuộc Đại học John Hopskin, Mỹ các số liệu từ 11 khảo cứu lâm sàng đã cho thấy thuốc corticosteroid dạng xịt đã làm tăng 34% các trường hợp mắc viêm phổi ở bệnh nhân tắc nghẽn phổi so với nhóm không dùng loại thuốc này. Những thực trạng và thực tế nêu trên nhắc chúng ta không nên tiếp tục quan điểm bệnh nhân hen suyễn ai cũng giống ai, cũng như tuyệt đối tin tưởng vào những phác đồ chữa bệnh hen suyễn, bất luận nó được đưa ra bởi cơ quan y tế nào. Và không phải hễ các phác đồ đó không có kết quả là do người bệnh không tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Cho đến hôm nay, tại các hội nghị, hội thảo với những chuyên gia hàng đầu thế giới tham dự, những bàn cãi gay gắt và những bất đồng lớn vẫn là phổ biến trong việc chẩn đoán, phòng và điều trị HPQ. Để nhấn mạnh về những khó khăn và hạn chế của y khoa hiện nay trong việc hiểu và điều trị bệnh hen suyễn, hội đồng biên tập của tạp chí y khoa- Lancet, đã đăng bài với tiêu đề: Hen phế quản- Câu hỏi vẫn nhiều hơn câu trả lời (Lancet số 372, tháng 9/2008). Các tác giả đã nêu ra 3 vấn đề cơ bản chưa được làm sáng tỏ cho tới ngày nay. Đó là: HPQ là gì? Những người nào có thể mắc bệnh HPQ và vì sao? Những yếu tố nào làm bệnh phát triển nặng lên và làm thế nào để tiên lượng được kết quả điều trị? Và đi đến kết luận: “HPQ, một bệnh mạn tính rất phổ biến vẫn còn là bí ẩn với y học ngày nay”. HPQ rõ ràng không chỉ do cơ chế di truyền và phản ứng của hệ miễn dịch. Các yếu tố dinh dưỡng, môi trường, lối sống, tâm lý, tâm thần và chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể như hệ thần kinh, nội tiết, gan... đã có vai trò rất quan trọng trong nguyên nhân, cơ chế và tiến triển của bệnh. Trong điều trị, ứng dụng các phương pháp dinh dưỡng, luyện tập thể lực và các bài tập thở, thư giãn, tâm lý liệu pháp, thực phẩm chức năng và các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền với phương châm: “trước hết phải không làm hại người bệnh” sẽ có thể mang lại kết quả tốt hơn cho người bệnh.
TS.BS. Hoàng Xuân Ba (Viện Nghiên cứu dị ứng - California, Mỹ, theo SK&DS)
Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013
Paracetamol có thể gây hen suyễn
Một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Hô hấp và chăm sóc đặc biệt (Mỹ) cho thấy có mối quan hệ giữa bệnh hen suyễn và chất acetaminophen (paracetamol). Cuộc nghiên cứu này là một phần của dự án nghiên cứu quốc tế về hen suyễn và dị ứng ở trẻ em, do tiến sĩ Richard Beasley, chuyên gia da liễu Viện nghiên cứu y học Wellington, New Zealand chủ trì. Các nhà khoa học đã tiến hành một loạt kiểm tra trên 320.000 trẻ ở độ tuổi từ 13 đến 14 tại 50 nước khác nhau. Kết quả cho thấy trẻ dùng paracetamol (hay Tylenol) bị hen suyễn nhiều hơn hai lần so với trẻ cùng độ tuổi chưa dùng loại thuốc giảm đau trên. Một số cuộc kiểm tra khác cũng chứng tỏ có mối liên hệ giữa paracetamol với hen suyễn ở cả người lớn, thậm chí bà mẹ mang thai dùng thuốc có paracetamol hay Tylenol cũng có nguy cơ gây hen suyễn lên đứa trẻ sau khi sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết đa phần các cuộc nghiên cứu hiện giờ, kể cả cuộc nghiên cứu quy mô trên, còn ở dạng nghiên cứu trên mẫu tiêu biểu, chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Đăng ký:
Bài đăng
(
Atom
)