Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Mắc bệnh mạch vành có được "yêu"?

Suy giảm khả năng tình dục làm họ không còn tin tưởng vào bản thân, cảm giác đã bắt đầu già nhanh, họ bắt đầu tránh những lao động thể lực, né tránh sinh hoạt tình dục... Một số trường trường hợp sợ sự xuất hiện cơn đau thắt ngực, cảm giác mệt mỏi khi sinh hoạt tình dục.

Khi mạch vành có “vấn đề” không ít người bệnh băn khoăn có nên hạn chế sinh hoạt tình dục hay không vì lo ngại sẽ làm gia tăng những tác động xấu đến tim mạch. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhiều cặp tình nhân. Vậy người bệnh mạch vành sẽ phải làm gì để vẫn duy trì được sự mặn nồng trong cuộc sống lứa đôi?

Mỗi người nhận thức về tình dục khác nhau. Có người cho rằng sinh hoạt tình dục là một phần của tình yêu, người khác cho rằng tình dục không phải là tình yêu mà chỉ là một nhu cầu về sinh lý của cơ thể giống như nhu cầu ăn, ngủ. Tuy nhiên có một điều, những người có chế độ sinh hoạt tình dục đều đặn thường khỏe mạnh, ít ốm đau; tuổi thọ của những người sống độc thân thường thấp hơn những người có gia đình.

clip_image001

Tình dục có một vai trò quan trọng trong sự bình yên của một gia đình. Một số nghiên cứu cho thấy, một cuộc sống tình dục hài hòa chiếm vị trí thứ ba trong các yếu tố bảo đảm sự thủy chung vợ chồng. 
Trong cuộc sống hiện đại, có một sự thật đáng buồn là các bệnh lý về tim mạch thường xuất hiện khi chúng ta còn trẻ. Không hiếm những trường hợp bị nhồi máu cơ tim khi còn ở tuổi dưới 40, ở độ tuổi đang sống và hưởng thụ một cuộc sống tình dục đầy đủ. 
Tỷ lệ bị các bệnh lý về tim mạch ở đàn ông cao hơn phụ nữ, thậm chí chỉ có suy giảm về chức năng tim mạch ở mức độ nhất định đã có biểu hiện phản ánh trong cuộc sống tình dục của họ, nếu không nói đến các bệnh lý nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực. Theo ý kiến của các nhà nam học thì hiện tượng yếu sinh lý có thể được coi là biểu hiện ban đầu (biểu hiện sớm) của bệnh lý mạch máu - xơ vữa động mạch trước khi xuất hiện các biểu hiện rối loạn tuần hoàn trong cơ tim. 
Suy giảm khả năng tình dục làm họ không còn tin tưởng vào bản thân, cảm giác đã bắt đầu già nhanh, họ bắt đầu tránh những lao động thể lực, né tránh sinh hoạt tình dục... Một số trường trường hợp sợ sự xuất hiện cơn đau thắt ngực, cảm giác mệt mỏi khi sinh hoạt tình dục. Những hạn chế đó dần dẫn đến kết quả là nguy cơ bị liệt dương. Theo một số công trình nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy 25% đàn ông đã có những biểu hiện về mạch vành (cơn đau thắt ngực, tiền sử nhồi máu cơ tim ở các mức độ khác nhau) từ bỏ hẳn sinh hoạt tình dục, 50% giảm số lần sinh hoạt so với bình thường, chỉ có 25% là vẫn duy trì bình thường. Phụ nữ ít bị mạch vành hơn, nhưng những đặc điểm nêu trên cũng đặc trưng đối với họ. 
Những bệnh nhân bị bệnh lý mạch vành không cần thiết phải hạn chế sinh hoạt tình dục như vậy, mà ngược lại mối quan hệ tình dục lành mạnh, chế độ sinh hoạt hợp lý sẽ làm họ tin tưởng hơn vào bản thân và cảm giác về một cuộc sống thỏa mãn. Trên 80% số người bị bệnh lý mạch vành có chế độ sinh hoạt tình dục thường xuyên không thấy xuất hiện nguy cơ bổ sung, không thấy xuất hiện cơn đau thắt ngực trong khi sinh hoạt, 20% số còn lại chỉ là do chưa chú ý đến cường độ, tư thế... mà thôi.

clip_image002

Hoạt động tình dục về bản chất cũng là một loại lao động thể lực. Bạn cần phải biết về sức khỏe và sức bền của cơ thể mình. Bác sĩ có thể dùng các thử nghiệm chức năng khác nhau (ví dụ kiểm tra chức năng tim mạch trên xe đạp lực kế...) để đánh giá được sức bền của bạn với gánh nặng thể lực, thậm chí đơn giản khi leo cầu thang với tốc độ bình thường lên tầng 4 - 5 mà không thấy xuất hiện cảm giác khó thở hay đau ngực là bạn có thể chịu đựng được gánh nặng thể lực như khi sinh hoạt tình dục. 
Tuy nhiên có khuyến cáo cho những người bị nhồi máu cơ tim là trong ba tháng đầu sau khi bị nhồi máu cần tránh sinh hoạt tình dục. 
Như vậy, những người bị bệnh mạch vành vẫn nên duy trì một cuộc sống tình dục bình thường, tuy nhiên phải chọn thời điểm phù hợp khi tinh thần thoải mái, cường độ nhẹ nhàng. Quan trọng nhất là khi đã bị bệnh mạch vành bạn phải biết cách kiểm soát chúng, cải thiện tình trạng bệnh để tránh những biến chứng nhồi máu cơ tim, hay thường xuyên xuất hiện cơn đau thắt ngực bằng các biện pháp dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, duy trì một cuộc sống lành mạnh, từ bỏ các thói quen có hại (hút thuốc, uống rượu); chế độ lao động và nghỉ ngơi khoa học; chế độ dinh dưỡng để duy trì cân nặng ở mức hợp lý, hạn chế tối đa ăn các thức ăn chứa nhiều béo, chất đường, tập luyện các bài tập rèn chức năng tim mạch (rèn sức bền) như đi bộ nhanh, bơi, đạp xe đạp, tập thường xuyên, tùy sức. Tập luyện thể dục thể thao rèn sức bền thường xuyên sẽ có tác dụng làm giảm huyết áp, giảm nhịp tim, giảm nhu cầu về ôxy của cơ tim trong yên tĩnh và đáp ứng tốt trong khi lao động thể lực cũng như sinh hoạt tình dục, vì cơn đau thắt ngực chỉ xuất hiện khi cơ tim bị thiếu ôxy.

Theo Sức khoẻ & đời sống

0 Bình luận :

Đăng nhận xét