Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Không tự ý dùng tôi dài ngày

Vào những lúc thời tiết thay đổi thất thường, hay không khí lạnh, ẩm của mùa đông, xuân... nếu không giữ gìn sức khỏe tốt rất có thể các bạn sẽ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, nhất là với trẻ em... với triệu chứng điển hình là ho. Những lúc ấy các bạn hãy nghĩ đến tôi - bromhexin nhé. Tôi là loại thuốc tiêu đờm (long đờm) được chỉ định dùng trong các trường hợp rối loạn tiết dịch phế quản trong viêm phế quản cấp tính, hay đợt cấp tính của viêm phế quản mạn tính.

 

Khi bị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp, tôi được dùng phối hợp với kháng sinh như amoxicillin, cefuroxim, erythomycin, doxycylin... như một thuốc bổ trợ trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp. Lợi ích của tôi là làm tăng nồng độ kháng sinh vào mô phổi và phế quản do đó làm tăng hiệu quả chữa bệnh.

Các bạn cũng dễ dàng nhận ra tôi dưới các dạng như viên nén, dung dịch uống, cồn ngọt, ống tiêm. Có một số chế phẩm phối hợp giữa tôi với thuốc kháng khuẩn, thuốc long đờm dưới dạng viên nén, siro hoặc dung dịch uống rất tiện cho người sử dụng.

Khi dùng tôi, đờm sẽ lỏng hơn và ít quánh hơn nên đờm từ phế quản thoát ra ngoài có hiệu quả. Khi uống thường phải sau 2-3 ngày mới có biểu hiện tác dụng trên lâm sàng nhưng nếu tiêm chỉ sau khoảng 15 phút.

Do có tác dụng làm tiêu dịch nhày nên bromhexin  tôi có thể gây huỷ hoại  hàng rào niêm mạc dạ dày. Vì vậy khi dùng cho người bệnh có tiền sử loét dạ dày phải rất thận trọng. Cũng cần thận trọng khi dùng tôi cho người bệnh hen (vì tôi có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm), cho người cao tuổi hoặc người quá suy nhược, không có khả năng khạc đờm hiệu quả (nếu dùng tôi càng làm tăng sự ứ đờm). Không phối hợp tôi với các thuốc làm giảm tiết dịch, các thuốc chống ho.

Một số phiền phức có thể gặp trong quá trình sử dụng tôi như: đau dạ dày, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhức đầu, chóng mặt, ra mồ hôi, nổi ban trên da hoặc mày đay. Hay nguy cơ ứ dịch tiết ra từ phế quản ở người bệnh không có khả năng khạc đờm. Các tai biến thường nhẹ và qua khỏi trong quá trình điều trị (trừ co thắt phế quản khi dùng tôi cho người bị hen suyễn). Thời gian điều trị không được kéo dài  quá 8-10 ngày nếu chưa có ý kiến của thầy thuốc.

Hà Nguyên Phong(SKvà ĐS)

Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Bệnh mạch vành - Cảnh giác với thời tiết lạnh

Thời tiết chuyển mùa đã làm cho nhiều người có tiền sử về bệnh tim mạch ảnh hưởng lớn về sức khỏe.

Trong những ngày vừa qua, số người vào viện điều trị liên quan đến bệnh tim mạch tăng cao hơn so với tháng trước.
Đối tượng chủ yếu là trẻ em và người cao tuổi do cơ thể bị nhiễm lạnh vào những lúc nhiệt độ hạ thấp trong ngày. Đã có nhiều trường hợp người bệnh bị suy tim và nhồi máu cơ tim do biến chứng.
Bác Nguyễn Thị Se 74 tuổi vừa phải vào Viện tim mạch tim mạch Quốc gia để điều trị các triệu chứng của bệnh mạch vành. Gần một tuần nay bác Se thấy khó thở, huyết áp tăng, rối loạn nhịp tim... Qua thăm khám và làm xét nghiệm các bác sỹ cho biết, bác Se bị thiếu máu nuôi cơ tim.


Trong tuần qua trung bình mỗi ngày Viện tim mạch tim mạch Quốc gia tiếp nhận từ 20 đến 30 bệnh nhân có tiền sử bệnh mạch vành đến khám và điều trị các triệu chứng tái phát. Con số này tăng gấp 2 lần so với tháng trước.
Người bệnh thường có biểu hiện: rối loạn nhịp đập tim, khó thở, đau tức vùng ngực, nhồi máu cơ tim... phần lớn các triệu chứng tái phát là do cơ thể người bệnh bị ảnh hưởng bởi khí hậu.
Nhiệt độ của những ngày gần đây đã hạ thấp hơn do thời tiết chuyển dần sang đông. Buổi tối và sáng sớm xuất hiện những đợt không khí lạnh, kèm theo những cơn mưa kéo dài vào ban đêm tạo nên độ ẩm cao. Đây là những yếu tố góp phần làm giảm thân nhiệt.
Nếu những người có tiền sử về bệnh tim mạch không giữ ấm tốt cho cơ thể, nhất là vào những lúc nhiệt độ hạ thấp dễ dẫn đến bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Từ đó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho bệnh tim mạch.
Giữ ấm tốt cho cơ thể cùng với việc đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong thời điểm này chính là giúp cho những người mắc bệnh mạch vành tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Một số phương pháp đơn giản sau đây sẽ giúp cho mọi người có thể tránh mắc phải những nguy cơ trên:
1. Mặc áo giữ cho cơ thể đủ ấm nhất là vào buổi tối và sáng sớm kể cả khi trong nhà.
2. Ăn uống đủ chất, không nên ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, đồ ăn phải đảm bảo vệ sinh.
3. Tránh tiếp xúc với nước lạnh trong thời gian dài. Nên sử dụng nước ấm trong các công việc thường ngày như tắm, rửa mặt, rửa rau, giặt quần áo...
4. Hạn chế vận động ngoài trời khi sáng sớm, thời tiết lạnh.
5. Với trẻ bị tim bẩm sinh cần giữ ấm tốt cho trẻ, tránh để trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp khiến bệnh trở nặng. Cho trẻ uống nhiều nước ấm, mục đích làm loãng máu hơn, tránh cho trẻ bị hình thành cục máu đông gây thuyên tắc tại các mạch máu.

Theo Tiến Dũng - VTV

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Viagra coi chừng… cương mãi

Nhiều trường hợp quý ông, để cải thiện "bản lĩnh đàn ông" đã tự tìm mua thuốc trị rối loạn cương dương uống, hậu quả nó cứ cương mãi không chịu hạ!
Cuối tháng 10 vừa qua, khoa Nam học, Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM) tiếp nhận một nam bệnh nhân gần 40 tuổi vào viện trong tình trạng dương vật bị cương cứng kéo dài, sung huyết, phù nề rất to. Các bác sĩ khẩn cấp tiến hành chọc hút thể hang của dương vật, tạo đường thông thương giữa thể hang và thể xốp nhằm "bình thường hóa" cho "cậu nhỏ" đang bị phình rất to.


Qua tìm hiểu, các bác sĩ biết được, trước đó để cải thiện chuyện tế nhị của đấng nam nhi, người đàn ông trên tự ý tìm mua 4 viên thuốc được giới thiệu có công dụng trị rối loạn cương (RLC) với giá 50 ngàn đồng/vỉ 4 viên. Uống chưa hết vỉ thì bị biến chứng như nói trên.
Mới đây, BV này cũng tiếp nhận một nam sinh viên, 24 tuổi, ở TP.HCM vào viện vì biến chứng sau khi dùng thuốc trị RLC, toàn thân bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy. Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng (Phó khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân) cho biết: "Thực chất nam sinh viên này không bị RLC, mà bị rối loạn tâm lý, cậy ấy cứ lo sợ mình bị RLC nên tự tìm thuốc mua uống". Bác sĩ Dũng tiết lộ, trường hợp các quý ông tự mua, dùng thuốc và bị tai biến phải vào viện cấp cứu là rất thường gặp. "Tai biến này rất nguy hiểm, vì nếu không được xử trí kịp thời sẽ khiến xơ hóa thể hang, gây RLC còn nặng hơn nữa, hoặc thậm chí dẫn đến hậu quả liệt dương luôn", bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Với những trường hợp dùng tân dược trị RLC bị biến chứng cương kéo dài cần phải nhập viện để được xử trí cho dương vật trước 6 giờ, tính từ lúc bị tai biến. Vì nếu để lâu sẽ dẫn đến xơ hóa thể hang, gây liệt dương.
Người bệnh tim mạch nên cẩn trọng
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường Đại học Y Dược (TP.HCM) - Tổng thư ký Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP, khuyến cáo: "Các thuốc điều trị RLC hiện nay trên thế giới và ở trong nước phần lớn là các loại thuốc có tác dụng làm giãn mạch máu, chủ yếu là động mạch, gây hạ huyết áp. Do tác dụng làm giãn động mạch, lượng máu sẽ về các động mạch nhỏ như động mạch vành tim, động mạch sinh dục dễ dàng hơn và có tác dụng giúp động tác cương lên của dương vật trở nên dễ dàng, nhất là ở những bệnh nhân lớn tuổi bị bệnh tiểu đường hay bệnh xơ vữa động mạch. Bản thân các thuốc này như Viagra Sednefil lúc đầu được nghiên cứu để điều trị cho người bệnh cao huyết áp có tăng áp động mạch phổi, và trong quá trình dùng thuốc các nhà chuyên môn mới phát hiện ra đặc tính điều trị RLC, thực chất là tác dụng phụ của thuốc, vì thế về sau người ta dùng Viagra để điều trị RLC là chính, chứ không phải như công dụng khởi nguyên ban đầu của nó".
Thuốc trị rối loạn cương trôi nổi rất dễ gây những biến chứng khó lường - Ảnh: Thanh Tùng
PGS-TS Nam phân tích: "Ở những bệnh nhân bị RLC, các thầy thuốc khuyên rằng, nên đi khám kiểm tra sức khỏe trước khi sử dụng đề phòng những bệnh tim nặng có thể gây đột tử trong lúc "hành sự". Tránh sử dụng thuốc trị RLC đồng thời với các loại thuốc làm giãn động mạch vành tim như các chế phẩm của Nitrate. Trong lịch sử đã có những vị vua bị đột tử trong lúc "hành sự", người ta thường cho nguyên nhân của nó là thượng mã phong. Nhưng không phải mọi trường hợp đều là thượng mã phong, mà có thể có một số vị vua do sử dụng các loại thuốc đông dược có tác dụng cường dương quá liều".
Tương tự, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng cũng khuyến cáo, phần lớn các nhóm thuốc tân dược điều trị RLC đều có những phản ứng phụ sau khi dùng như: hoa mắt, phừng đỏ mặt, nghẹt mũi, đau lưng, đau cơ - là những biểu hiện rất thường xảy ra, nhưng người bệnh có thể chịu đựng được. Tuy nhiên, khuyến cáo là nhóm thuốc trị RLC này không được dùng chung với các thuốc chứa Nitrat (thuốc điều trị trong bệnh cơn đau thắt ngực), vì dễ dẫn đến tác dụng "hiệp đồng" gây tụt huyết áp rất nguy hiểm, có thể đưa đến tử vong. "Với những người bệnh có vấn đề về tim mạch cần phải thận trọng khi sử dụng các thuốc trị RLC. Cần sử dụng theo hướng dẫn của nhà chuyên môn, không được tự ý dùng. Người đang dùng thuốc chữa bệnh tim mạch, nếu muốn dùng các tân dược trị RLC thì phải cho bác sĩ điều trị biết rõ thuốc tim mạch mình đang dùng để tránh nguy cơ gặp phải tác dụng "hiệp đồng" gây nguy hiểm. Ngoài ra, những người có bất thường về mạch máu, tĩnh mạch, hay bệnh lý hồng cầu khi dùng các thuốc tân dược trị RLC cũng cần lưu ý vì dễ làm cho những bệnh lý đó nặng nề hơn", bác sĩ Dũng nói.
Một số nhà thuốc hiện nay cũng chủ động không bán các tân dược trị RLC cho người không có toa chỉ định từ bác sĩ, vì theo họ loại thuốc này phải bán theo đơn, và cần được theo dõi về tim mạch, huyết áp…