Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

Bệnh hô hấp vượt đỉnh

PN - Tuần qua, mỗi ngày hai bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM điều trị nội trú cho hơn 700 trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Tình trạng trẻ nhập viện gia tăng mạnh đã diễn ra từ đầu tháng Bảy, trong khi, đỉnh điểm của dịch bệnh hô hấp thường bắt đầu từ tháng Tám. Phần lớn trẻ nhập viện dưới hai tuổi với chứng viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn… Các bác sĩ cảnh báo: với bệnh hen suyễn, nếu không phát hiện sớm, trẻ dễ lên cơn kịch phát và tử vong.

Bệnh đến sớm hơn mọi năm
Nằm điều trị hơn một tháng tại khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng II nhưng tình trạng sức khỏe của bé trai N.K.H., một tuổi (ngụ TP.HCM) vẫn chưa được cải thiện. Theo lời người nhà, trước đây bé H. bị sổ mũi, ho nhẹ nên gia đình tự mua thuốc cho bé uống. Khi uống được ba liều, bé bớt ho, không còn chảy mũi nên bỏ thuốc. Sau đó vài ngày, bé ho trở lại và khi đi khám mới phát hiện trong phổi có mủ. ThS-BS Trần Thị Thu Loan - Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng II - cho biết: “Với những trẻ bị áp-xe ở phổi thì việc điều trị kéo dài ít nhất một tháng, nhiều khi phải tiến hành phẫu thuật để tránh xảy ra di chứng như: suy hô hấp, nhiễm trùng phổi, tràn dịch màng phổi... Riêng trường hợp của cháu H., chúng tôi đang theo dõi điều trị kháng sinh, chứ chưa can thiệp phẫu thuật”.
Theo thống kê của BV Nhi Đồng II, những ngày qua, mỗi ngày BV này điều trị nội trú cho 360 trường hợp mắc bệnh hô hấp. Theo các BS, số trường hợp mắc bệnh hô hấp thường bắt đầu tăng mạnh từ tháng Tám và kéo dài cho đến tận tháng 11, 12, nhưng năm nay dịch bệnh hô hấp đến sớm. Tương tự, tại BV Nhi Đồng I, mỗi ngày cũng điều trị nội trú cho hơn 330 bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, có ngày lên đến 370 bệnh nhi.
ThS-BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp, BV Nhi Đồng I - giải thích, trẻ mắc bệnh hô hấp, ngoài nguyên nhân do thời tiết thay đổi, ô nhiễm không khí thì còn do trẻ chưa được chủng ngừa đầy đủ các loại vaccine: lao, ho gà, bạch hầu, sởi, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, cúm mùa… Ví dụ, khi trẻ bị sởi thì nguy cơ bị biến chứng viêm phổi dễ xảy ra. Hoặc vi khuẩn Hib là nguyên nhân thứ hai gây viêm phổi và nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em.
Trẻ hen suyễn không nên gắng sức
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM - cho biết, trước đây, trong các bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ, thì bệnh hen suyễn, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… dễ chẩn đoán nhầm với nhau. Hiện nay, các cơ sở y tế đã trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc nên việc chẩn đoán đã được cải thiện nhiều. Thế nhưng, việc chẩn đoán bệnh hen suyễn vẫn còn khó khăn. Trong khi tại Việt Nam có đến 5% người lớn và 10% trẻ em mắc bệnh hen suyễn. Nếu không chẩn đoán đúng bệnh, người bệnh phải dùng kháng sinh, corticoids kéo dài, gây xanh xao, chậm lớn, tiêu chảy, loãng xương, tiểu đường, mỏng da, teo cơ… Vì vậy, những trẻ bị chẩn đoán hen suyễn cần điều trị dứt điểm càng sớm càng tốt, nhất là trước tuổi dậy thì. Nếu không, đường dẫn khí bị tắc nghẽn lan tỏa, khiến trẻ bị khò khè suốt đời và có thể tử vong khi cơn hen bộc phát. Chưa kể, trẻ bị hen suyễn thường bị thiếu oxy não, từ đó trẻ chậm lớn, mất tập trung trong việc học, khó tham gia các hoạt động thông thường như các bạn cùng trang lứa.
Theo các BS, khoảng 70% - 90% bệnh nhân hen suyễn bị lên cơn khi gắng sức. Một trong những nguyên nhân khiến cơn hen bộc phát khi gắng sức là do chơi những môn thể thao cần nhiều thể lực như: tập thể dục nhịp điệu, chạy đua, đua xe đạp. Thậm chí, dù môn thể thao không đòi hỏi vận động mạnh nhưng nếu gắng sức liên tục hoặc gần như liên tục thì cơn hen cũng dễ xuất hiện. Ngoài ra, một số yếu tố thúc đẩy dễ xảy ra cơn hen là do môi trường xung quanh ẩm thấp, thời tiết trở lạnh, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá và khí thải công nghiệp, hoặc do bản thân người bệnh có cảm xúc quá mạnh.
Để cơn hen không bộc phát khi gắng sức, trẻ bị hen suyễn nên chọn các môn thể dục thể thao nhẹ nhàng như: đi bộ, chạy cự ly ngắn, cầu lông, bơi lội nhưng không được lặn. Trước khi chơi thể thao, phải làm nóng đúng mức, khởi đầu bằng đi bộ và các động tác nhẹ nhàng, mềm dẻo, sau đó chạy nhanh từng đoạn ngắn khoảng 30 giây, rồi nghỉ 60 giây, lặp lại hai - ba lần. Thời gian khởi động trung bình từ 5 - 10 phút, người lớn tuổi phải khởi động kéo dài hơn, cường độ gắng sức từ lúc thấp đến tăng dần lên. Và đến khi gần kết thúc buổi tập luyện cũng phải làm nguội đúng mức tránh ngưng gắng sức đột ngột.
Văn Thanh
* ThS-BS Trần Thị Thu Loan cho biết: Với những trẻ bị bệnh, khi bị sốt, phụ huynh không đắp khăn ướt lên trán. Vì lúc đó, các mạch máu ngoài da co lại theo phản xạ, nên nhiều người lầm tưởng đã hạ nhiệt, nhưng thực chất, nhiệt độ bên trong cơ thể vẫn không thoát ra ngoài.
* BS Trần Anh Tuấn khuyên: Cần giữ ấm hợp lý cho trẻ trong thời điểm giao mùa này, nhiệt độ lý tưởng để bảo vệ trẻ từ 270C - 280C (không áp dụng cho trẻ sơ sinh). Các hộ gia đình tránh việc sưởi ấm bằng than củi, sẽ dễ gây ngộ độc, lên cơn hen suyễn cho trẻ.

0 Bình luận :

Đăng nhận xét