Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

THUỐC KHÁNG SINH, ĐỒNG MINH BỆNH HEN SUYỄN

 

Đó chính là thuốc kháng sinh. Dù không hề có tác dụng điều trị bệnh hen (suyễn), nhưng thực tế rất đông bệnh nhi hen vẫn thường xuyên được cho dùng kháng sinh khiến tiền mất tật mang, bệnh hen tiến triển nặng hơn, khó kiểm soát hơn.
Ngay từ khi được vài tháng tuổi, bé Thu Mai (Lĩnh Nam, Hà Nội) đã thường xuyên phải uống kháng sinh bởi những đợt ho dai dẳng, kéo dài, khó thở. Đến nay đã 6 tuổi, các triệu chứng ho, khó thở vẫn tái đi tái lại dù bé đã được thăm khám tại một số cơ sở y tế, sử dụng kháng sinh đến mức 1-2 tháng/đợt. Chị Cúc, mẹ bé, kể chị quá nản vì càng chữa bệnh bé càng nặng.
Chỉ đến khi được đo chức năng hô hấp cùng việc khai báo cụ thể tiền sử bệnh hen của ông nội, bé mới được xác định bị bệnh hen, bậc 3. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho hay tuần nào khoa cũng tiếp nhận một vài trường hợp tương tự như bé Mai. Vấn đề là toàn bộ thuốc kháng sinh từ trước đến nay bé dùng hầu như không có tác dụng đối với việc điều trị hen, mà còn là căn nguyên khiến bệnh nặng hơn.


Bệnh nặng gấp bốn lần!
Bệnh đường hô hấp dễ bị lờn thuốc nhất
Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết hiện nay nhiều người (nhất là cư dân thành phố) có điều kiện kinh tế thường có xu hướng sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau nên đã dẫn đến hiện tượng lờn thuốc, buộc bác sĩ phải kê sang loại khác nặng hơn.
Các bệnh do siêu vi như sốt siêu vi, hen... thì có dùng bao nhiêu kháng sinh cũng không thể khỏi, mà ngược lại chỉ làm cơ thể thêm kiệt quệ. Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy những loại bệnh đường hô hấp thường dễ bị lờn thuốc nhất do nhiều người có thói quen tự mua kháng sinh về uống.
Đơn giản là vì kháng sinh chỉ hữu dụng với bệnh nhiễm trùng, do vi trùng, còn hen là dạng bệnh lý do siêu vi (virus). Song bệnh hen ở trẻ có khi chỉ biểu hiện bằng các đợt ho kéo dài hay thở khò khè mỗi khi nhiễm trùng hô hấp nên thường bị bác sĩ bỏ sót, chẩn đoán thường bị “lái” sang viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản. Từ đó các em bị chỉ định dùng kháng sinh và thuốc giảm ho, vốn là những thuốc không dùng trong điều trị hen.
Số trẻ bị hen nhưng lại bị dùng kháng sinh chiếm tỉ lệ rất lớn. Khảo sát tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy nhiều bệnh nhi hen đã được điều trị dài ngày bằng các loại thuốc kháng sinh trước khi đến viện. Riêng với bệnh nhi hen bậc 3 thì tỉ lệ dùng thuốc kháng sinh lên đến 63,4%, 2/3 trong số đó thường xuyên phải nghỉ học do ảnh hưởng của bệnh tật. “Theo dõi, nghiên cứu trẻ đến khám tại viện cho thấy bệnh nhi hen lại dùng thuốc kháng sinh sẽ làm cho mức độ bệnh nặng hơn 4,2 lần bình thường” - tiến sĩ Dũng cảnh báo.
Thực tế, bệnh nhân hen thường được điều trị bằng thuốc cắt cơn hen và điều trị dự phòng. Việc dùng kháng sinh chỉ có tác dụng khi người bệnh có kèm các bệnh lý nhiễm trùng tại phổi hay bị viêm amiđan, viêm tai... Việc chẩn đoán trẻ bệnh hen có bị bội nhiễm hay không cần rất cẩn trọng, không thể chỉ dựa trên những quan sát lâm sàng thông thường.
Trước hết bệnh nhân phải được chụp phổi để xác định có nhiễm trùng hay không rồi làm xét nghiệm máu, nếu bạch cầu tăng cao mới cần đến kháng sinh. Trẻ bị hen phải cân nhắc trong việc dùng kháng sinh hơn người bình thường bởi kháng sinh sẽ làm tăng cơn hen, tăng nguy cơ lên cơn kịch phát của bệnh hen.
Dễ mắc hen nếu dùng kháng sinh trước 1 tuổi
Giáo sư Nguyễn Năng An, chủ tịch Hội Dị ứng - miễn dịch lâm sàng VN, cho hay những trẻ bình thường, không hề có tiền sử bệnh hen, nhưng nếu đã từng dùng kháng sinh trước 1 tuổi sẽ rất dễ bị hen khi bắt đầu vào tuổi đi học. Hệ lụy này cảnh báo phụ huynh phải cẩn trọng trong sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ.
Tùy tiện dùng thuốc, lấy đơn lần này dùng tiếp cho lần sau, đơn của trẻ này áp cho trẻ khác sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Theo giáo sư An, do bệnh hen phế quản ở trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm sang các loại bệnh nhiễm trùng, dẫn đến phác đồ điều trị sai kéo dài, gây nguy hiểm cho bệnh nhi, có thể dẫn đến tử vong.
Những đợt ho kéo dài, kèm những cơn khó thở của hen có thể phân biệt với các bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp trên bằng dấu hiệu sốt đi kèm. Thông thường nếu trẻ ho, khò khè mà không sốt thì ít khi là bệnh nhiễm trùng. Nhiều trẻ mắc bệnh hen nhiễm siêu vi sẽ có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi, hắt hơi báo trước, sau đó mới xuất hiện cơn hen.
NGỌC HÀ (Tuoitre)

1 Bình luận :

  1. MÌnh thấy bệnh hen suyễn cũng không có gì nguy hiểm nếu chúng ta có cách điều trị hợp lý. Hồi xưa bố của đứa bạn cũng bị, chữa chạy khắp nơi từ Tây sang ĐÔng mà không khỏi. Cuối cùng có người chỉ cho mua thuốc nam uống khỏi hẳn trong vòng có 3 tháng uống thuốc mà lại không có phản ứng phụ như thuốc tây.
    Thấy nhiều người phải vất vả vì bệnh này mình cũng thông cảm được. Nên muốn chia sẻ 1 xíu. Nếu ai có nhu cầu tìm hiểu thêm có thể liên hệ với bạn mình trao đổi thêm theo địa chỉ mayernguyen@gmail.com để có thêm kinh nghiệm chữa trị bệnh.
    Chúc mọi người sức khỏe!

    Trả lờiXóa