Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

THUỐC KHÁNG SINH, ĐỒNG MINH BỆNH HEN SUYỄN

 

Đó chính là thuốc kháng sinh. Dù không hề có tác dụng điều trị bệnh hen (suyễn), nhưng thực tế rất đông bệnh nhi hen vẫn thường xuyên được cho dùng kháng sinh khiến tiền mất tật mang, bệnh hen tiến triển nặng hơn, khó kiểm soát hơn.
Ngay từ khi được vài tháng tuổi, bé Thu Mai (Lĩnh Nam, Hà Nội) đã thường xuyên phải uống kháng sinh bởi những đợt ho dai dẳng, kéo dài, khó thở. Đến nay đã 6 tuổi, các triệu chứng ho, khó thở vẫn tái đi tái lại dù bé đã được thăm khám tại một số cơ sở y tế, sử dụng kháng sinh đến mức 1-2 tháng/đợt. Chị Cúc, mẹ bé, kể chị quá nản vì càng chữa bệnh bé càng nặng.
Chỉ đến khi được đo chức năng hô hấp cùng việc khai báo cụ thể tiền sử bệnh hen của ông nội, bé mới được xác định bị bệnh hen, bậc 3. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho hay tuần nào khoa cũng tiếp nhận một vài trường hợp tương tự như bé Mai. Vấn đề là toàn bộ thuốc kháng sinh từ trước đến nay bé dùng hầu như không có tác dụng đối với việc điều trị hen, mà còn là căn nguyên khiến bệnh nặng hơn.


Bệnh nặng gấp bốn lần!
Bệnh đường hô hấp dễ bị lờn thuốc nhất
Tiến sĩ Lý Ngọc Kính, cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết hiện nay nhiều người (nhất là cư dân thành phố) có điều kiện kinh tế thường có xu hướng sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau nên đã dẫn đến hiện tượng lờn thuốc, buộc bác sĩ phải kê sang loại khác nặng hơn.
Các bệnh do siêu vi như sốt siêu vi, hen... thì có dùng bao nhiêu kháng sinh cũng không thể khỏi, mà ngược lại chỉ làm cơ thể thêm kiệt quệ. Khảo sát của Bộ Y tế cho thấy những loại bệnh đường hô hấp thường dễ bị lờn thuốc nhất do nhiều người có thói quen tự mua kháng sinh về uống.
Đơn giản là vì kháng sinh chỉ hữu dụng với bệnh nhiễm trùng, do vi trùng, còn hen là dạng bệnh lý do siêu vi (virus). Song bệnh hen ở trẻ có khi chỉ biểu hiện bằng các đợt ho kéo dài hay thở khò khè mỗi khi nhiễm trùng hô hấp nên thường bị bác sĩ bỏ sót, chẩn đoán thường bị “lái” sang viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản. Từ đó các em bị chỉ định dùng kháng sinh và thuốc giảm ho, vốn là những thuốc không dùng trong điều trị hen.
Số trẻ bị hen nhưng lại bị dùng kháng sinh chiếm tỉ lệ rất lớn. Khảo sát tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy nhiều bệnh nhi hen đã được điều trị dài ngày bằng các loại thuốc kháng sinh trước khi đến viện. Riêng với bệnh nhi hen bậc 3 thì tỉ lệ dùng thuốc kháng sinh lên đến 63,4%, 2/3 trong số đó thường xuyên phải nghỉ học do ảnh hưởng của bệnh tật. “Theo dõi, nghiên cứu trẻ đến khám tại viện cho thấy bệnh nhi hen lại dùng thuốc kháng sinh sẽ làm cho mức độ bệnh nặng hơn 4,2 lần bình thường” - tiến sĩ Dũng cảnh báo.
Thực tế, bệnh nhân hen thường được điều trị bằng thuốc cắt cơn hen và điều trị dự phòng. Việc dùng kháng sinh chỉ có tác dụng khi người bệnh có kèm các bệnh lý nhiễm trùng tại phổi hay bị viêm amiđan, viêm tai... Việc chẩn đoán trẻ bệnh hen có bị bội nhiễm hay không cần rất cẩn trọng, không thể chỉ dựa trên những quan sát lâm sàng thông thường.
Trước hết bệnh nhân phải được chụp phổi để xác định có nhiễm trùng hay không rồi làm xét nghiệm máu, nếu bạch cầu tăng cao mới cần đến kháng sinh. Trẻ bị hen phải cân nhắc trong việc dùng kháng sinh hơn người bình thường bởi kháng sinh sẽ làm tăng cơn hen, tăng nguy cơ lên cơn kịch phát của bệnh hen.
Dễ mắc hen nếu dùng kháng sinh trước 1 tuổi
Giáo sư Nguyễn Năng An, chủ tịch Hội Dị ứng - miễn dịch lâm sàng VN, cho hay những trẻ bình thường, không hề có tiền sử bệnh hen, nhưng nếu đã từng dùng kháng sinh trước 1 tuổi sẽ rất dễ bị hen khi bắt đầu vào tuổi đi học. Hệ lụy này cảnh báo phụ huynh phải cẩn trọng trong sử dụng thuốc cho trẻ nhỏ.
Tùy tiện dùng thuốc, lấy đơn lần này dùng tiếp cho lần sau, đơn của trẻ này áp cho trẻ khác sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Theo giáo sư An, do bệnh hen phế quản ở trẻ dễ bị chẩn đoán nhầm sang các loại bệnh nhiễm trùng, dẫn đến phác đồ điều trị sai kéo dài, gây nguy hiểm cho bệnh nhi, có thể dẫn đến tử vong.
Những đợt ho kéo dài, kèm những cơn khó thở của hen có thể phân biệt với các bệnh viêm phổi, viêm đường hô hấp trên bằng dấu hiệu sốt đi kèm. Thông thường nếu trẻ ho, khò khè mà không sốt thì ít khi là bệnh nhiễm trùng. Nhiều trẻ mắc bệnh hen nhiễm siêu vi sẽ có các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như chảy nước mũi, hắt hơi báo trước, sau đó mới xuất hiện cơn hen.
NGỌC HÀ (Tuoitre)

Trẻ sơ sinh uống thuốc kháng sinh dễ bị hen suyễn

 

 Bạn đọc thân mến, vừa qua nhiều bạn gọi về cho tôi nói rằng con của các bạn bị hen suyễn được chữa bằng kháng sinh lâu với liều cao mà vẫn không khỏi. Đó là một sai lầm mà nhiều bác sĩ không nhận ra, tôi đăng một số bài liên quan tới điều đó để các bạn tham khảo : 

Cho trẻ em sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống thuốc kháng sinh có thể làm tăng 2/3 nguy cơ mắc bệnh hen suyễn ở trẻ, theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường đại học Yale (Mỹ).

tre_10-9111
Trẻ sơ sinh uống thuốc kháng sinh dễ bị hen suyễn

Các nhà khoa học phát hiện thấy rằng, trẻ sơ sinh được điều trị bằng thuốc kháng sinh trước 6 tháng tuổi có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn 40% so với trẻ không phải điều trị bằng thuốc trong thời gian này. Nguy cơ mắc bệnh hen huyễn có thể tăng lên 70% nếu trẻ uống thuốc hơn 2 liều thuốc kháng sinh trong  thời gian 6 tháng tuổi.

Kết quả trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học thuộc trường đại học Yale tiến hành nghiên cứu với 1400 trẻ em trong thời gian trẻ mới chào đời đến khi 6 tuổi. Trong quá trình này, nhóm nghiên cứu đã theo việc dùng thuốc kháng sinh của những trẻ này trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh. Sau đó, các nhà khoa học tiến hành theo dõi để xem việc uống thuốc kháng sinh ảnh hưởng như thế nào tới nguy cơ mắc chứng hen suyễn ở trẻ em.
Các nhà khoa học đã giải thích nguyên nhân trẻ em uống thuốc kháng sinh khi nhỏ có nguy cơ mắc chứng hen suyễn cao hơn là do một số loại chất trong thuốc kháng sinh đã tiêu diệt một số kháng thể  trong ruột của trẻ. Điều này khiến trẻ dễ bị ốm hơn, đặc biệt là những bệnh về đường hô hấp.

“Thuốc kháng sinh đã tiêu diệt một số vi khuẩn có lợi trong ruột của trẻ. Điều này đã làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ trong giai đoạn phát triển đầu đời. Điều này khiến trẻ dễ bị ứng với bụi và phấn hoa – một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh hen suyễn”, tiến sĩ Kari Risnes, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Trước đây, nhiều người vẫn tin rằng chỉ có những trẻ em có bố mẹ tiền sử bị bệnh hen mới có nguy cơ mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc trường đại học Yale cùng với các nghiên cứu khác trước đó đã chứng minh được rằng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống thuốc kháng sinh là một trong những yếu tố hàng đầu gây ra bệnh hen suyễn.

(Theo Bee/Telegraph)

Sai lầm thường gặp khi dùng kháng sinh

khangsinh11

Việc sử dụng thuốc kháng sinh phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa: Nam Phương.

Thuốc kháng sinh được ví là "của để dành", con dao 2 lưỡi. Tuy nhiên nhiều người bệnh ngay cả bác sĩ cũng đang lạm dụng nó, bệnh gì cũng dùng kháng sinh, mà không lường trước hết được hậu quả khôn lường.
> WHO cảnh báo vi khuẩn siêu kháng thuốc / Vi khuẩn siêu kháng thuốc có ở VN

Theo một khảo sát mới đây của Bệnh viện Bạch Mai, đối với trẻ dưới 3 tuổi, có tới 90% nhiễm trùng hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm họng, viêm tai) là do virus và không cần điều trị bằng kháng sinh. Nhưng thực tế đa số các em nhỏ vẫn đang phải dùng rất thường xuyên loại thuốc này.

Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, không chỉ người dùng mà ngay cả bác sĩ nhiều khi cũng kê đơn sai, lạm dụng kháng sinh. Trong khi, kháng sinh là con dao 2 lưỡi, nếu dùng đúng thì có tác dụng tốt. Còn ngược lại, người bệnh có thể gánh những hậu quả khôn lường.

Theo phó giáo sư, một số sai lầm thường gặp khi dùng kháng sinh là:

1. Tự ý dùng thuốc kháng sinh

Bản chất con người không cần thuốc hằng ngày, chỉ cần khi có bệnh. Vì thế, trước hết phải xem bệnh nặng hay nhẹ, có cần thiết phải dùng kháng sinh hay không. Hơn nữa, nếu là bệnh do virus thì có uống bao nhiêu thuốc khác sinh cũng không có tác dụng. Bệnh không khỏi, người lại mệt mỏi hơn.

Khi không cần mà uống vào thì cơ thể mất công thải ra (ở đây là gan, thận). Nhưng trong một số trường hợp có thể gây hại, chất không cần thiết lại vào cho vào, đôi khi ảnh hưởng đến chức năng gan, thận. Không những thế, kháng sinh đưa vào người là để diệt vi khuẩn gây bệnh, nhưng nếu không có nó diệt cả vi khuẩn không gây bệnh, vi khẩn có lợi, gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Viêm ruột do kháng sinh có trường hợp chảy máu, thậm chí tử vong.

2. Dùng kháng sinh liều cao, nhiều loại cho nhanh khỏi

Đúng là bệnh sẽ khỏi nhanh hơn. Tuy nhiên, cần phải biết khi phối hợp với nhau. liều cao thì cũng sẽ tỷ lệ thuận với nguy cơ gặp tác dụng phụ. Kháng sinh lại là con dao 2 lưỡi, nó có tác dụng phụ như: dị ứng, nhẹ thì ngứa ngáy khó chịu, nổi ban, nặng có thể dẫn đến tử vong, sốc phản vệ. Phản ứng phụ gây dị ứng thì ai cũng có thể thấy nhưng điều không phải ai cũng thấy đó là tiêu chảy và tình trạng kháng thuốc.

Trong đó có lẽ đáng sợ nhất là tình trạng kháng thuốc. Gần đây, nhiều chuyên gia còn lo ngại vi khuẩn kháng thuốc này có thể lây sang cho người khác. Kháng sinh được ví như "của để dành", dùng khi bệnh nặng, nếu cứ lạm dụng nó thì sẽ đến lúc ngay cả vũ khí cuối cùng này cũng không thể cứu được.

Điều quan trọng nữa là loại thuốc dùng kèm có ảnh hưởng gì không. Thuốc cùng dùng có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của nhau vì thế có khi đơn ít thuốc lại nhanh khỏi.

3. Thấy đỡ bệnh là thôi không dùng

Chưa dùng hết liều kháng sinh nhưng người bệnh đã cảm thấy khỏe hơn, triệu chứng bệnh không còn hoặc giảm hẳn. Nghĩ đã khỏi nhiều người liền bỏ thuốc. Tuy nhiên khi đó vi khuẩn có thể mới chỉ bị tiêu diệt một phần, bị yếu đi chứ chưa bị loại trừ hoàn toàn. Vì thế, nếu bỏ thuốc, rất có thể chúng sẽ phục hồi lại và tiếp tục gây bệnh.

Một nguyên tắc quan trọng khi sử dụng kháng sinh là phải đúng liều, cao hoặc thấp quá đều không được. Có loại chỉ dùng một liều duy nhất, có loại uống 3 ngày, 5 ngày, 10 ngày, một tháng mới được gọi là đủ liều. Chính vì thế việc uống kháng sinh bao nhiêu ngày mới đủ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, liều uống giờ đây cũng thay đổi, không cổ điển như trước nên nếu bác sĩ không cập nhật kiến thức thì có thể dẫn đến dùng sai liều.

4. Đã dùng kháng sinh thì phải dùng loại xịn

Dùng kháng sinh thế hệ mới, hiệu quả điều trị bệnh thường mạnh hơn, nhanh hơn vì chúng nhạy cảm với nhiều loại vi khuẩn hơn kháng sinh cũ. Tuy nhiên, nó được xem là thứ vũ khí cuối cùng cho người bệnh trong rất nhiều tình huống nguy cấp.

Vì thế, người bệnh không nên lãng phí để tránh hậu quả đáng tiếc. Có không ít trường hợp, bác sỹ đành bó tay nhìn bệnh nhân qua đời vì tất cả các loại kháng sinh mới nhất, mạnh nhất, đắt nhất đều đã bị vô hiệu hóa.

5. Không đỡ thì đổi thuốc

Kháng sinh cũng giống như nhiều loại thuốc cần có thời gian nhất định để phát huy tác dụng, chứ không thể vừa uống, bệnh đã khỏi. Nhiều cha mẹ cho con uống thuốc chưa hết liều nhưng thấy con không có dấu hiệu thuyên giảm thì yêu cầu bác sĩ đổi thuốc ngay. Điều này là không nên, tránh gây nhờn thuốc.

Nếu thuốc không có tác dụng thì cần xem xét đến các khía cạnh như: đã tuân thủ đúng liều chưa, việc chẩn đoán, kê đơn đã đúng bệnh chưa, khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể...

Nam Phương