Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Bệnh mạch vành đông tăng, hè giảm

Sự tăng giảm của bệnh mạch vành cũng tuân theo sự thay đổi nhịp thời gian. Các thống kê cho thấy, số người mắc bệnh này tăng lên vào khoảng tháng 12, tháng 1 và giảm hẳn vào mùa hè.
Một số nghiên cứu của Viện Tim mạch học cho thấy ở một số thời điểm theo tháng, theo ngày, theo giờ, tỷ lệ bệnh lý nhồi máu cơ tim xuất hiện cao hơn hẳn những thời điểm khác. Sự xuất hiện lặp đi lặp lại có tính chất chu kỳ này đã gợi ý đến mối liên quan giữa nhịp điệu thời gian và bệnh lý động mạch vành. Mối liên quan này có nhiều cơ sở khoa học chứ không phải là sự xuất hiện tình cờ.
Hoạt động của mọi sinh vật đều có tính chất tuần hoàn theo chu kỳ nhất định. Sự di cư của những đàn chim, sự di chuyển theo mùa sinh sản của cá hồi, những loài hoa chỉ nở vào những giờ nhất định... đều diễn ra theo nhịp điệu thời gian. Con người chúng ta cũng có những nhịp điệu đó. Chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, giấc ngủ về đêm, sự thay đổi thân nhiệt của chúng ta trong ngày... cũng diễn ra theo chu kỳ đều đặn. Do sự xuất hiện có tính chu kỳ này mà chúng ta đã thấy có những “ngày xấu”, “giờ xấu”. Vậy chúng ta lo sợ những thời điểm nào trong bệnh lý động mạch vành?

Các nghiên cứu ở Anh và Mỹ đều cho thấy vào mùa đông, tỷ lệ bệnh động mạch vành có xu hướng tăng cao. Tại Anh, hiện tượng này của mùa đông làm tăng 20.000 ca tử vong mỗi năm so với các mùa khác. Tại Mỹ, tỷ lệ bệnh mạch vành vào tháng 12 và tháng 1 cao hơn 53% so với những tháng hè. Sự khác biệt này đã được phân tích qua nhiều yếu tố như:
Nhiệt độ môi trường: Cái lạnh có thể tác động lên tim một cách trực tiếp và gián tiếp qua huyết áp, là nguyên nhân dẫn tới co mạch ngoại biên, tăng lượng máu về tim, tăng huyết áp, tăng lượng noradrenalin trong máu. Nó làm tăng nhu cầu sử dụng ôxy cơ tim. Ở những bệnh nhân có tổn thương sẵn có của động mạch vành. Trời lạnh dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Tia cực tím: Tia cực tím hay ánh nắng mặt trời chỉ có nhiều vào mùa hè và rất ít vào mùa đông. Tia cực tím giúp chúng ta tổng hợp vitamin D. Một số nghiên cứu đã cho thấy bệnh nhân nhồi máu cơ tim có hàm lượng vitamin D trong máu thấp. Do đó, việc có nhiều tia cực tím vào mùa hè sẽ làm giảm tỷ lệ nhồi máu cơ tim.
Hoạt động thể lực: Vào mùa đông, xu hướng hoạt động của chúng ta có vẻ ít hơn. Nhiều người có thói quen không tập luyện trong mùa đông và đây là một thói quen rất xấu. Tập thể dục đều đặn sẽ có tác dụng bảo vệ mạch vành, nhưng tập không thường xuyên lại là yếu tố khởi phát bệnh mạch vành.
Béo phì: Chúng ta thường béo hơn vào mùa đông; một phần do giảm cường độ hoạt động, mặt khác do chế độ ăn. Mối liên quan giữa béo phì và bệnh lý động mạch vành đã được khẳng định.
Sự căng thẳng trong công việc: Vào tháng 12 và tháng 1, mọi người cố gắng hoàn thành công việc của năm và xây dựng kế hoạch làm việc cho cả năm mới. Nhiều người cho biết đây là thời kỳ họ làm việc nhiều và căng thẳng nhất trong năm. Đó cũng là một yếu tố gây khởi phát nhồi máu cơ tim.
Hút thuốc lá: Lượng tiêu thụ thuốc lá tăng vọt vào mùa đông. Hút thuốc lá làm rối loạn chức năng vận mạch, làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim, làm tăng tiến triển của xơ vữa động mạch.
Nhiễm khuẩn: Có nhiều nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa bệnh mạch vành và các vi khuẩn đặc hiệu. Các vi khuẩn như Helicobacter pylori và Chlamydia pneumonia được tìm thấy trên các mảng xơ vữa. Mà sự phát triển Helicobacter pylori đạt đỉnh cao vào mùa đông.
Lượng cholesterol máu: Lượng cholesterol máu cao hơn vào mùa đông và thấp hơn vào mùa hè. Một số nghiên cứu thấy rằng nhiệt độ thấp sẽ làm tăng cả cholesterol toàn phần và cholesterol xấu - một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành.
Đông máu: Khi nhiệt độ cơ thể thấp, sẽ có sự tăng số lượng tiểu cầu, tăng độ nhớt máu. Mùa đông sẽ làm tăng độ tập trung fibrinogen. Những yếu tố này góp phần dễ hình thành nên những huyết khối trong lòng mạch, nhất là trong lòng động mạch vành bị tổn thương.
Nhịp ngày và bệnh lý động mạch vành
Vào những ngày đầu tuần, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng cao so với những ngày khác. Theo một nghiên cứu tại Scotland, tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng 33% vào ngày thứ hai ở những người đang làm việc. Chính điều này đã làm hình thành giả thuyết “hội chứng sáng thứ hai”. Sự thay đổi từ trạng thái nghỉ ngơi sang trạng thái hoạt động và sự tăng gánh nặng thể lực cũng như tinh thần vào ngày thứ hai có thể là yếu tố khởi phát bệnh mạch vành.
Nhịp giờ và bệnh mạch vành
Tỷ lệ nhồi máu cơ tim cao nhất vào buổi sáng sớm và thấp nhất vào buổi đêm trước khi ngủ. Thời gian xuất hiện cao nhất là 6-12h sáng. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim trong những giờ này cao hơn khoảng 40% nếu so sánh với các giờ khác trong ngày. Khi ta bắt đầu thức dậy và chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng để bắt đầu một ngày mới, hệ thống thần kinh giao cảm sẽ được kích hoạt, dẫn tới co mạch và tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Những bệnh nhân bị tổn thương động mạch vành sẽ không có khả năng cung cấp đủ ôxy cho cơ tim để đáp ứng những thay đổi sinh lý này, làm cho gia tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Mặt khác, trong thời điểm này, một số nội tiết tố được bài tiết ở mức độ cao như epinephrine và norepinephrine. Chúng làm co mạch vành và thúc đẩy sự hình thành cục máu đông trong lòng mạch.
(Theo SK&ĐS)
Việt Báo (Theo_24h)
Nguồn Trích Dẫn : http://vietbao.vn/Suc-khoe/Benh-mach-vanh-dong-tang-he-giam/55100168/248/

0 Bình luận :

Đăng nhận xét